Với mục đích bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống của dân tộc cũng như tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với loại hình nghệ thuật đặc sắc này, sáng ngày 09/11, trường THCS Nam Từ Liêm đã phối hợp với Đoàn biểu diễn 2 – Nhà hát Tuồng Việt Nam mang sân khấu Tuồng về với học sinh trong toàn trường.
Qua hai vở tuồng dân gian “Ông già cõng vợ trẻ đi chơi”, “Nghêu, sò, ốc, hến” và hai trích đoạn tuồng kinh điển “Đào Tam Xuân đề cờ”, “Ngũ biến” do các nghệ sĩ của Đoàn biểu diễn 2 – Nhà hát Tuồng Việt Nam mang tới, các em học sinh trường THCS Nam Từ Liêm đã phần nào hiểu được những nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật truyền thống này. Từ đó, các em thêm yêu và tự hào về Tuồng – một loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển khá độc đáo của Việt Nam.
Vở Tuồng “Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội”
Trích đoạn Tuồng “Đào Tam Xuân đề cờ”
Trích đoạn Tuồng “Ngũ biến”
Vở Tuồng “Nghêu, sò, ốc, hến”
Một phần rất thú vị trong chương trình là các em học sinh được trực tiếp giao lưu với hai nghệ sĩ Viết Hưng và Huyền Phúc của Nhà hát. Trong phần giao lưu này, các em đã được hai nghệ sĩ hướng dẫn cách nói tuồng và diễn tuồng. Dù còn đôi chút ngại ngùng nhưng các em đã bước đầu bộc lộ được năng khiếu diễn xuất của mình. Điều này chứng tỏ nghệ thuật Tuồng không hề bị mai một trong đời sống học đường nói riêng và trong đời sống xã hội hiện đại nói chung.
Bên cạnh đó, trong chương trình này, các thầy cô giáo và các em học sinh đã được lắng nghe bài hát “Khách đến chơi nhà” – Dân ca Quan họ Bắc Ninh và tiết mục hòa tấu nhạc “Trống cơm” do các liền chị và các nhạc công trẻ đến từ Đoàn biểu diễn 2 – Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện
Bài hát “Khách đến chơi nhà” – Biểu diễn: Các liền chị
Hòa tấu nhạc “Trống cơm” – Biểu diễn: Các nhạc công trẻ
Buổi biểu diễn tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng thực sự đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi học sinh trường THCS Nam Từ Liêm. Hy vọng rằng thông qua hoạt động giáo dục hết sức ý nghĩa này, các em học sinh sẽ có thêm những hiểu biết về văn hóa xã hội, về các loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc