Việc bổ sung, nâng cao kiến thức về tư vấn tâm lý học đường cho CB-GV-NV trong thời gian dài dạy học online bởi dịch bệnh Covid-19 là rất cần thiết, nhằm giúp học sinh giải quyết những khó khăn trong quá trình học tập, cùng những vướng mắc về sức khỏe, tâm lý, giao tiếp…
Nhận thức được tầm quan trọng đó, chiều 2/4/2022, trường THCS Nam Từ Liêm đã phối hợp với tổ chức GNI (Good Neighbors International in Vietnam) thực hiện chuyên đề “Người chăm cây” cho toàn thể CB-GV-NV nhà trường.
Giảng viên tham gia chuyên đề là cô Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó trưởng khoa CT-XH, trường ĐH Lao động và xã hội, và cô Đỗ Thị Trang - Chuyên gia tham vấn học đường, tư vấn dự án GNI.
Giảng viên Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó trưởng khoa CT-XH, trường ĐH Lao động và xã hội tại buổi chuyên đề.
Giảng viên Đỗ Thị Trang - Chuyên gia tham vấn học đường, tư vấn dự án GNI.
Dùng hình tượng “Người chăm cây” thông qua câu chuyện “Bà già tìm kim”, các chuyên gia tham vấn học đường đã cho thấy vai trò hỗ trợ, tương tác không thể thiếu giữa Phòng tham vấn - Nhà trường - Gia đình, bởi hiện nay, thực trạng tâm lý học đường tại Việt Nam đang rất căng thẳng, gây áp lực lớn tới phụ huynh, nhà trường và các nhà chức trách.
Theo dẫn chứng của các chuyên gia dựa trên kết quả khảo sát khám sức khỏe định kỳ cho trẻ ở lứa tuổi THCS tại Hà Nội mới đây cho thấy, hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu sử dụng dịch vụ về sức khỏe tinh thần, với các chứng bệnh tâm thần, các bệnh hướng nội ở mức độ nhẹ, bệnh trầm cảm do nghiện chơi các trò game điện tử, cảm thấy không hài lòng về cơ thể và ngoại hình, buồn bã về chuyện tình cảm, và có lối sống khép kín, thu mình lại… Cứ 7 trẻ thì có 1 trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, học sinh THCS cũng gặp phải 4 hình thức bạo lực học đường về thể chất, lời nói, xã hội và mạng internet.
Theo các chuyên gia, thầy cô và cha mẹ có thể phát hiện những vấn đề bất thường của con em mình thông qua những dấu hiệu về sinh lý, cảm xúc, nhận thức, hành vi như: trầm cảm, sang chấn tâm lý, rối loạn hành vi, khó khăn trong học tập, tập trung kém, thiếu hứng thú, động lực, kết quả học giảm sút, thiếu chấp hành nội quy… Từ đó, việc thực hiện tham vấn tâm lý học đường sẽ tiến hành trao đổi trực tiếp giữa giáo viên và phụ huynh, để cùng nhau xây dựng mục tiêu chung là giúp HS thoát khỏi những vấn đề tâm lý đang vướng mắc, tìm ra các biện pháp tích cực để giảm căng thẳng, giảm áp lực cuộc sống, tạo sự cân bằng, tăng nội lực bản thân, hoặc tìm kiếm một số phương pháp hỗ trợ.
Bên cạnh quy trình hỗ trợ và 8 giá trị đạo đức mà các chuyên gia đưa ra, thì quan trọng hàng đầu vẫn là sự đồng hành của thầy cô trong nhà trường. Đó là sự Lắng nghe - Thấu hiểu - Đồng hành - Dẫn dắt.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh về những lợi ích lớn đem lại khi giáo viên, nhà trường và các bậc phụ huynh thực hiện tư vấn tâm lý trong nhà trường cho học sinh. Đó là, không chỉ giúp học sinh giải quyết được những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống mà còn giúp cho các em phát triển được kỹ năng học tập, năng lực và nhân cách.
Hơn nữa, khi các bậc phụ huynh quan tâm và chăm sóc con cái của mình nhiều hơn, thì có thể phát hiện sớm những vấn đề tâm lý con trẻ mắc phải và phối hợp kịp thời cùng nhà trường, các nhà tâm lý học để giải quyết vấn đề nhanh chóng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tư vấn tâm lý học đường giúp giáo viên có thể tiếp cận, giao tiếp với học sinh của mình dễ dàng hơn, phát hiện được sớm những vấn đề tâm lý của học sinh để can thiệp và chăm sóc kịp thời.
Về phía nhà trường, việc thực hiện tư vấn tâm lý giúp nhà trường xây dựng được các chiến lược giáo dục cho học sinh của mình. Đồng thời có thể phối hợp với các bậc phụ huynh tổ chức các hoạt động tập thể cho học sinh, giúp HS phát triển kỹ năng và ngăn chặn các nguy cơ mắc bệnh tâm lý học đường.
Có thể nói, buổi chuyên đề tâm lý học đường “Người chăm cây” đã cho thấy rõ sự cần thiết và quan trọng của việc thực hiện tư vấn tâm lý học đường và rất cần được đẩy mạnh hơn nữa trong nhà trường.
Chuyện ngụ ngôn "Bà già tìm kim"
"Một buổi tối, khi mặt trời đã lặn, và có chút ánh sáng còn rơi rớt lại trên đường, mọi người thấy bà Rabia ngồi trên đường tìm kiếm cái gì đó. Bà ấy là một bà già, mắt bà ấy đã kém, và thật khó cho bà ấy nhìn thấy. Cho nên hàng xóm tới giúp bà ấy. Họ hỏi: "Bà đang tìm gì thế?"
Rabia nói, "Tôi đang tìm kim. Tôi đánh mất kim."
Họ bắt đầu giúp bà ấy nhưng ngay lập tức nhận ra rằng là đường rất lớn, mà kim lại là thứ rất nhỏ bé.
Thế là họ hỏi Rabia: "Bà nói bà đánh mất nó ở đâu - chỗ đích xác, chính xác - bằng không thì khó tìm lắm. Đường thì lớn, và chúng tôi có thể tìm mãi vẫn không thấy. Bà đã đánh mất nó ở đâu?"
Rabia nói: "Ta đã đánh mất nó ở trong nhà ta."
Họ hỏi: "Thế sao bà lại tìm ở đây?"
Và Rabia đã nói: "Bởi vì Ở NGOÀI mới có ÁNH SÁNG, mà BÊN TRONG thì TỐI."
Câu chuyện này rất có ý nghĩa:
Bà già mù tượng trưng cho chúng ta: Chúng ta không biết Mình là ai? Hạnh phúc, Tình yêu thực sự là gì?
Kim tượng trưng cho điều chúng ta tìm kiếm: chúng ta khao khát và luôn đi tìm Hạnh phúc, chúng ta tìm kiếm tình yêu, .v.v.
Hạnh phúc tại Tâm nhưng Bên trong lại Tối, chúng ta không quen thuộc nên chúng ta đi tìm ở bên ngoài , ở phần sáng (ý thức)
Khi đã tìm sai chỗ, càng tìm lại càng rối, càng tìm thì càng khó khăn hơn, cuộc sống càng bế tắc…
|